Biển Đỏ Việt Nam _ Phần cuối _ Mục Lục


XXX

Các bác đảng ơi, hãy cho chúng em ăn đất với…

 

       Khi cơ quan nhà nước thất tín.

Thật ra chữ tín của nhà nước thời ai cũng rõ, ngay những người Cộng sản họ càng rõ hơn ai hết vì chính họ là những người đã từng nói láo và biết rõ chính ta đang phát ngôn sai sự thật nhưng cứ phải thốt ra. Nên chính họ càng không tin vào sự chân thật của đảng, nhà nước…  nhưng lại vững tin vào sự tồn tại của chế độ bởi vì họ có một mục đích tối thượng: phải dùng bất cứ thủ đoạn nào để có thể nắm được chính quyền. Những người Cộng sản đã từng nói dối để tồn tại cũng như có khi đạt được chiến thắng. Trong hoà bình cũng vậy và một khi sự thất tín gặp tắc trách thì đối với họ chỉ huề cả làng. Còn các công dân phải đền bù hợp đồng, chấp nhận thua lỗ, có khi còn dẫn đến phá sản. Nhiều người lao đao, lỡ vận vì cơ quan nhà nước không giữ lời hứa như chậm trả tiền đền bù, chậm giao nhà tái định cư... Nhiều sự chậm trễ ở phía cơ quan nhà nước không chỉ tính ngày, tháng mà hàng năm, năm này qua năm nọ... 

Và có sự việc bi thảm có lẽ chỉ xảy ra độc nhất trong lịch sử dân tộc này: một cụ già tuổi 82 vì tranh chấp đất mà chém một nữ giáo viên chết thảm ngay tại chỗ.  Đang tranh cải với nhau về đất gia tộc giữa hai người thế là trong ấm ức với sẵn cây phảng trên tay, ông cụ chém bà giáo năm mươi ba tuổi, cái tuổi theo người Việt là xui, một nhát khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ cũng ngay trên vùng quê Ông Thủ tướng họ Phan.

Đó là một thảm cảnh trước sự bất lực của một chính quyền từ địa phương đến trung ương trong việc giải quyết khiếu kiện về đất đai. Một vụ án tham nhũng lớn về đất đai được xem là điển hình của cả nước vào những năm đầu thế kỷ với bản án dành cho các quan tham từ bí thư đến chủ tịch huyện mỗi người chỉ nộp phạt năm chục ngàn tiền nhà nước Việt cộng đương thời. Chuyện có thể ghi vào kỷ lục của toà án trong việc xét xử, họ đã lợi dụng chức quyền lập chứng từ khống cấp đất cho ngưòi thân, nên mới có chuyện từ các cư dân trên vùng biển tuyệt vời cho nghỉ mát, du lịch Đồ Sơn nói với nhau: “chúng em muốn theo các lãnh tụ Cộng sản và xin quý ngài hãy cho chúng em ăn đất với”. Trong dân gian Việt Nam có câu ngạn ngữ mà ông bà dùng để dạy con cháu “đói thời cạp đất mà ăn”, thế nhưng bây giờ với các tư bản đỏ càng cạp đất của dân càng giàu.

Thiện Nam cũng được nghe một điều đặc biệt từ phiên toà xét xử các quan tham Đồ Sơn từ Bí thư đến Chủ tịch UBND các cấp nơi vùng biển nghỉ mát này mà từ nhỏ chàng được biết qua việc đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, đó là “đối ngoại” bằng đất – nghĩa là dùng đất đai tài sản của Nhà nước, của toàn dân để mua chuộc, hối lộ các quan chức ở trung ương. Khi có dịp nghỉ mát thăm quan ở vùng này, Thiện Nam tình cờ gặp một số người thân của các viên chức này, họ không lấy gì làm xấu hổ cả vì người nào cũng trong cách nhìn: mình bán cho nhau càng đỡ, đất đai không mất đâu hết... Không người Việt này dùng thì người Việt khác sử dụng còn cách đây mấy chục năm ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng bán cả Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, đó mới là điều khốn nạn có ai lên án chưa... Ai thắng ai... Ai xấu hổ hơn ai... Bờ cõi Việt Nam có còn từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau nữa hay không... Hay chỉ còn trong các bài ca thuộc về chuyện cổ dân gian! Ai đáng tội hơn mà đem xét xử?

Và ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất, công ty Chicilon Media của Trung Quốc đã lắp đặt rất nhiều màn hình quảng cáo bên dưới là bản đồ Việt Nam không có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; biển Thái Bình Dương lại viết thành là biển Nam Trung Hoa. Mọi người dân trong nước và khách nước ngoài hiểu chút ít về lịch sử địa lý Việt Nam không khỏi đặt câu hỏi cơ quan nào chính quyền nào đã nhận hối lộ để làm nhục quốc thể ngay tại trên quê xứ mình đến như vậy!

 “Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc”. Đó là lời của Tổng Thanh tra chính phủ đã nói như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang hội trường Ba Đình vào giờ nghỉ giải lao. Thực tế những vụ chạy án vẫn cứ diễn ra, đối tượng không còn chạy theo đường chính mà theo đường vòng thông qua vợ con cán bộ, đó là khoảng cách ngắn nhất vì ánh sáng đi theo đường cong thật vậy. Trong một cơ chế xin cho một cách độc quyền với thủ tục hành chánh rườm rà, nhiều kẻ hở thì việc chống tham nhũng sẽ không bao giờ có tác dụng. Trong một cơ chế có quá nhiều kẻ hở khiến các viên chức không thể không tham lam khi trong tay có nhiều quyền lực như một thanh tra chính phủ khi về địa phương họ được đón tiếp trọng thị không khác gì ông vua con. Thậm chí sự phát hiện tài sản bị tham ô thời nhiều nhưng thu lại không có là bao. Qua báo chí vụ thanh tra tại VN Airlines và ngân hàng Nhà nước với những sai phạm cùng những giải trình đầy sự láo khoét, nhưng cuối cùng tất cả đều hạ cánh trong an toàn vì tham nhũng nó gắn liền với các đảng viên - chính họ mới là những người có quyền lực để tham nhũng còn dân đen thử hỏi họ có gì ngoài sự mất mát cho đến tận cùng. Cho nên trong thâm sâu nơi mỗi người dân dù họ chưa có cơ hội đứng lên được trước bạo quyền, nhưng ai cũng biết rằng chỉ có thể diệt sạch tham nhũng trên đất nước này trong giai đoạn hiện nay là giải tán bọn quan tham thối nát này. Thanh niên Việt Nam mới có thể làm việc này và Đoàn Thanh niên Cộng sản có nhiều cơ hội nhất để đảm nhiệm sứ mệnh cao cả đó nhưng họ đã đánh mất vai trò trong nhiều năm qua, đã xa rời quần chúng và những gì mà Thiện Nam chứng kiến tại thành đoàn Đà Lạt cũng như tại Trung tâm Phạm Ngọc Thạch Sài Gòn, cách sinh hoạt của các bọn trẻ này sao mà nhố nhăng chỉ cốt ăn theo, điểm đặc biệt quan trọng mà Thiện Nam theo dõi và tìm hiểu khi muốn chuyển biến giới trẻ tại Việt Nam đó là các em trong tổ chức này không có sự sáng tạo. Còn các lãnh tụ nổi bật hẳn trong giới trẻ để nắm cây gậy dẫn đường hầu như không có. Tất cả chúng thật đáng thương dưới cái nhìn của Thiện Nam: quả là bọn chúng chỉ biết vịn lưng các ông già!

Chạy trường, nạn lạm thu, dạy thêm... Bởi vì một nền giáo dục không đồng đều, con anh thì được vào học ở một trường tốt hơn, còn con tôi thời đành phải chui vào một nơi trong hốc bà tó. Thật sự các nhà làm giáo dục không muốn dứt điểm về chuyện này, thậm chí còn hẹn đến hết năm này qua năm khác. Họ còn tự biên, tự diễn cùng các tiêu chuẩn mà chỉ có họ tự biết với nhau mà thôi.

Với Đường lối mới: công khai, minh bạch, dân chủ.


 

XXXI

Độc tài là mầm móng hủy hoại xã hội

 

            Đúng vậy: Toàn trị nào cũng sẽ là mầm móng ung thư xã hội. Khi một gene đột biến có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức như mất đi một đoạn gene, chuyển đổi vị trí thay vì nằm chỗ này nó lại chuyển sang chỗ khác. Có gene bị khuếch đại với kích cỡ to lớn bất thường và gene kia làm khiếm khuyết cả đoạn gene.

Trong sinh hoạt thường ngày, con người tiếp xúc với rất nhiều tác nhân bên ngoài và một cách ngẫu nhiên chúng ta vô tình tiếp xúc với một số tác nhân có thể gây đột biến gene như hoá chất, môi trường ô nhiễm, tia bức xạ, tia cực tím và cả trong thực phẩm... Cũng không ai biết một cách chính xác người này bị ung thư là do chất này hay chất kia, mặc dù theo nghiên cứu về dịch tể học, các nhà khoa học đã kết luận được nhiều loại ung thư liên quan đến những tác nhân đặc biệt gây bệnh như ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường.v.v... ngày nay người ta phát hiện những gene có sẵn ở người gây nên ung thư như những phụ nữ có gene nào mang nguy cơ bị ung thư vú nhiều hơn những phụ nữ không có gene này. 

Có tin cán bộ thuế thành phố Đà Lạt ra hầu toà, như điều Thiện Nam dự đoán về sự nhũng nhiễu của các cán bộ thuế tại thành phố này. Một phiên toà sơ thẩm đã mở ra để xét xử vụ án nhận tiền hối lộ của cán bộ Chi cục thuế thành phố Đà Lạt đã bị bắt quả tang nhận nhiều triệu đồng từ một chủ cửa hàng trang trí nội thất với lời hứa sẽ giảm thuế. Trong suốt những năm đầu thế kỷ không có quý nào, năm nào mà không lộ chuyện các nhân viên thuế quan tại đây nhận tiền đút lót hoặc bị truy tố hay phải bồi hoàn và đều có đăng trên các công báo. Thật sự nếu truy ra hết sẽ không sót một người nào thuộc bộ phận thu thuế ở đây từ cục trưởng cho đến bất cứ cán bộ thu thuế nào đều là những kẻ với túi tham bẩn thỉu từ xương máu của các công dân.

Chuyện các quan tham Sở thuế trên đất nước này – nó không có thuốc chữa và dưới mắt người dân mỗi khi họ đến viếng rồi ra đi quả là một vở kịch của sự gian dối cho mỗi lần như vậy giữa các công dân phải đối phó với những kẻ gian manh nhân danh quyền lực nhà nước.

Nó không còn như nạn xe cứu thương đụng phải người đi bộ khi lo toan cứu người mà chạy cho nhanh đến cán chết kẻ khác. Hoặc đặc thù có một không hai trong lịch sử các chế độ lao tù: quản giáo để tử tù mang thai và cơ quan điều tra thuộc Viện khoa học kỹ thuật hình sự đã phải vào cuộc để tìm kết luận ai là cha của cháu bé: cán bộ quản giáo hay một tù nhân nào? Một tù nhân tự giác thì không thể có chìa khoá mở cửa cacho của tội phạm từ hình để quan hệ tình dục đến có con với việc hạ sản một cháu bé trai nặng đến hơn ba ký!         

Đà Lạt công trình kiến trúc độc đáo theo kiểu kiến trúc Tây Ban Nha duy nhất ở thành phố này, sau ba mươi năm biến thành chung cư, khu nuôi heo... toạ lạc tại đường Quang Trung vẫn đang là ngôi nhà hoang phế đáng buồn. Trăm năm bia đá thời mòn nhưng những tảng đá toàn granit này chưa tròn thế kỷ đã phơi sương xuống cấp trầm trọng nơi ngôi nhà có hình bán cung tuyệt đẹp như vang bóng một thời được vị vua cuối cùng nhà Nguyễn mua tặng một thứ phi có nhan sắc đến nghiêng thành. Có tin nhiều năm qua Viện Nghiên cứu kiến trúc Bộ Xây dựng từng đề nghị đưa toà nhà vào danh sách bảo tồn, nhưng với chính quyền địa phương vẫn chỉ đáng để nuôi lợn!

Bên cạnh nhiều tin buồn hơn vui trên đất nước này, có tin vui Đà Lạt lập “làng nghệ sỹ”. Niềm hy vọng đến với nhiều người, nó sẽ được xây dựng tại vùng rừng hồ Tuyền Lâm, do tư nhân tổ chức. Theo sinh viên dựa vào các nguồn tin từ con em có bố là các viên chức tại địa phương: đây là làng nghệ sỹ đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng trên diện rộng bằng một phần tư nước Vatican, với cảnh quang rừng thông xây nên những khu nhà nghệ sỹ thuộc mọi lãnh vực nghệ thuật như nghỉ ngơi, thư giãn, sáng tạo đến truyền bá nghệ thuật... đặc biệt có nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Nam Tây Nguyên... Nhưng với cái nhìn của mọi người hiện tại vẫn chỉ là ước mơ và hãy chờ đợi sang đầu những năm của một thế kỷ khác. Trước mắt với một số đất to lớn như vậy dưới con mắt kinh nghiệm của các cư dân tại đây chỉ vẫn là nguyên cớ để hợp lý hóa các thủ tục chia chát đất đai.

Từ làng nghệ sỹ đến thạc sỹ hoá, tiến sỹ hoá... với chủ trương của Bộ Giáo dục qua vị Tân Bộ trưởng sẽ đào tạo hai ngàn năm trăm tiến sỹ trong một năm theo dự định trên tổng số 20.000 tiến sỹ. Nhưng cũng theo một Thứ trưởng trong ngành này phát biểu: “Một số trường tăng qui mô đào tạo nhanh hơn so với các điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực đào tạo của nhà trường, Giáo viên lên lớp quá nhiều giờ không còn thời gian đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, bài giảng... nên chất lượng đào tạo hạn chế”. Thật sự khi Thiện Nam dấn thân vào cuộc trong lãnh vực này chàng nhận thấy dường như không có mấy Giáo sư Đại học Việt Nam trong hiện tại mà mỗi năm có lấy được một công trình nghiên cứu, thậm chí cả nhiều năm. Và thực chất trong các trường đại học Việt Nam đang có một lỗ hổng to lớn, đó là trên danh nghĩa khi xin giấy phép để đủ ban bệ họ nại danh đến rất nhiều Giáo sư, nhưng khi thực sự giảng dạy không có mấy vị theo danh sách đầy các thạc sỹ, tiến sỹ. Quả là vào một thời với các danh từ kêu thật to nào thạc sỹ hoá, tiến sỹ hoá nghe cũng vui vui... Cái vui đáng buồn của một dân tộc đã từng có những tiến sỹ giấy như ông.

Đến những con đường quá vui! Từ thành phố nghỉ mát Đồ Sơn bay vào Sài Gòn với Quận Gò Vấp, hai nơi này tuy cách xa nhau nhưng có cùng bản chất, đó là các quan từ bí thư đến chủ tịch UBND đều “cạp” đất của dân. Lớn ăn theo lớn, bé lai rai theo khu vực của mình, từ số tiền dư dật mà ngay trên địa bàn này phát sinh những con đường vui vẻ, theo lối gọi bình dân... Trên một con đường nổi tiếng chưa được ba ký lô mét tập trung cả trăm quán nhậu “ôm” đến hớt tóc thanh nữ - một loại mãi dâm trá hình tại đây, karaokê, cà phê internet với những cuốn phim đồi trụy... Trong một tiệm làm tóc mà Thiện Nam chứng kiến khách đến nam hay nữ cũng chỉ biết lấy ráy tai, còn ai có nhu cầu “hớt” bằng tay thì được đưa vào bên trong bức rèm đã có sẵn... Mỗi lần hớt tóc không dao kéo như vậy tốn vài trăm ngàn, tính ra chỉ mất chừng hai mươi đô la Mỹ, muốn đi xa hơn cũng có phòng nghỉ gần ngay đó! Ôi con đường vui của các quan chức mà người dân cũng vui theo! Các em tiếp viên phục vụ ở những con đường này đều tuổi chưa tròn đôi mươi, phần lớn nói giọng Nam, họ từ miền Tây lên. Thiện Nam rời khỏi Gò Vấp, với những cảnh kia vì con người thế ấy, nhưng thật sự con người không chỉ có những dục vọng khả giác thấp hèn, những ngôi Thánh đường cũng dày đặc ở khu vực này, chàng tự lấy làm xấu hổ: Tôi đã làm được những gì cho Giáo Hội tôi... Tôi có quyền hy vọng được những gì khi Giáo hội chỉ là một sự tồn tại... Trúng vào ngày Chúa Nhật, các con chiên đi lễ rất đông, tiếng chuông Giáo đường vang xa trộn lẫn nhau giữa quá nhiều thánh đường đang đổ chuông cùng lúc vào ngày Chúa Nhật... Và kìa những con đường vui thật vui đang chìm sâu trong tội lỗi... và các chủ chăn đang đọc những bài giảng dường như đã soạn sẵn tự bao giờ.

 


XXXII

Ông chủ tịch vẽ bùa…

 

Có tin mới nhất, một học sinh lớp Mười giết một cụ bà tám mươi hai tuổi để lấy tiền chơi game online! Một số tiền chỉ sáu chục ngàn đồng Việt Nam, tương đương với hơn bốn đô la Mỹ! Thoạt đầu em chỉ tính vào nhà ăn trộm nhưng không ngờ bị phát hiện, nên đã sát thủ ngay bà lão, y trở về nhà nghỉ một lúc rồi sau đó trở lại chiếm đoạt tài sản.

Có thể cậu bé này dù ở một miền xa xôi nhưng đã linh cảm các quan toà đi nghỉ mát, tại Việt Nam có chuyện Toà không tiếp dân vì lý do đi nghỉ mát… Đối với những ai nộp đơn khiếu kiện, hỏi thăm thủ tục, kết quả thụ lý án dù là ngay tại thành phố Sài Gòn đều ngỡ ngàng khi thường xảy ra cửa phòng nhận đơn đóng im lìm, không có cán bộ toà án nào làm việc và người bảo vệ chỉ vào tấm bảng cho những ai thắc mắc: “Hôm nay toà họp, không làm việc, đề nghị thứ hai quay trở lại”. Tất cả đành quay trở về, trong đó có đương sự đến mang theo giấy hẹn của toà. Theo sự mách nhỏ của viên bảo vệ với những người cố nấn ná ở lại và tạo tình cảm với y: các quan toà đã đi nghỉ mát ở bãi biển nào đó nhân ngày phụ nữ... Đó là một nơi có mô hình của việc xét xử cho cả nước và các toà án trong thành phố cùng tỉnh thành cũng trong cách thế như vậy. 

Từ trung ương đến địa phương, theo tin từ các báo loan tải như tại tỉnh Quảng Ngãi muốn gặp lãnh đạo xã phải hẹn trước ba ngày! Đó là qui định được niêm yết ngay cổng trụ sở UBND xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều người dân nơi đây cho biết: khách đến làm việc phải hẹn trước ít nhất ba ngày, còn người dân muốn chứng nhận giấy tờ phải tốn nhiều thời gian, có khi cả tuần mới xong... Vì các quan lãnh đạo xã đi họp hoặc bận ăn cổ, tiệc cưới ma chay... Và có một ông Chủ tịch xã bất hủtận mãi Ninh Bình ngoài Bắc, thật ra là nhiều chứ không phải duy có thế, nhưng ở đây chỉ nêu điển hình. Đó là ông đã vẽ bùa cho cả nhà cùng đeo, người nào cũng có giấy khen, huy chương chiến công chống Mỹ... từ cha mẹ đến vợ ông đều gắn huy chương hết, người nào cũng có giấy chiến công tất.

Những nạn nhân bị đánh cắp thời gian biết rằng có đứng lại cũng chẳng được việc gì song ai cũng chưa muốn ra về, họ ngoảnh mặt lại trước những sảnh đường to lớn uy nghi vừa mát lạnh như khung cảnh tòa án ở Đà Lạt rồi có dịp tư lự một chút cũng như bộc bạch với ai đó cho bớt nỗi lòng dù chỉ nói nho nhỏ vì những nơi này thường được yêu cầu phải thinh lặng. Một lão ông nói: Tất cả đều là bọn quan tham mang cả triệu đô của dân đi đánh bạc, mức lương của các ông là bao nhiêu, vợ con ông làm đến chức vụ gì để quý ông người nào cũng năm bảy căn biệt thự, chưa kể các tài sản khác... và thường xuyên đi du hí như thế này, cả một lũ ăn cắp của dân từ tiền của, đất đai, thời gian... để đánh bạc và đưa hối lộ. Và khi xét xử các quan tham, nhà nước thường cũng chỉ qua loa ở cái ngọn, còn nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có thì không chịu truy nguyên vì một điều dễ hiểu đứt dây sẽ động rừng. Như theo người dân đen đụng đến ông Bộ trưởng kia sẽ tức thời dính đến ông Tổng bí thư đảng CSVN vì họ có con cái lấy nhau cả đùm. 

Từ toà án đến sân cỏ, nền bóng đá Việt Nam hy vọng sẽ sạch sẽ hơn, đó là niềm mong ước của nhiều người, thế nhưng nó là tình trạng chung về sự cá độ từ bóng đá toàn cầu: cờ gian bạc lận. Song ở Việt Nam có cái đáng thương đó là các cầu thủ quá nghèo nay cộng với lòng tham khi có cơ hội, nhất là họ thường không xuất thân từ một trường lớp nào cả nên vấn đề đạo đức nghề nghiệp như hoàn toàn là con số không to tướng, thêm vào đó là những người lãnh đạo quá nuông chiều và xem nhẹ những hành vi hư hỏng của các cầu thủ, nhất là thượng bất chính hạ tất loạn. Người đứng đầu ngành thể thao tương đương với chức Thứ trưởng cũng có tên là Dũng phạm tội hiếp dâm trẻ em đã bị truy tố khi bị bắt làm điều đồi bại công khai. Người dân đặt câu hỏi tiền ở đâu mà chúng có nhiều như thế trong khi các vận động viên thì được hưởng bao nhiêu trong những giờ tập luyện khổ cực cũng như những cuộc thi đấu mang lại những phần thưởng to lớn nhưng cuối cùng kẻ đáng được hưởng thời bị tước đoạt gần hết. Nhưng các quan lớn không ai chịu trách nhiệm, chỉ có lời: “xin người đời hãy tha thứ” của người cha của một cầu thủ là đáng trân trọng. Ông đã phát biểu trước phiên toà xét xử các cầu thủ như thế và mong phiên toà kết thúc nhanh để ông mang con về với gia đình, cũng như ông xin chịu trách nhiệm tất cả hành vi lỗi lầm của con mình về tội bán độ, bán cả danh dự quốc gia giả vờ thua trên sân cỏ bỏ mặc cho đối phương thắng.

Trong phiên toà xử các cầu thủ bóng đá bán độ danh dự quốc gia này, một người cha khác đã phát biểu: “xấu thì đã xấu, đau thì đã đau, mấy hôm nay tôi chỉ cầu mong cho nó được án nhẹ để sớm có mặt tại nhà...” Đúng là không có gì quí hơn mái ấm gia đình, dù đó là các gia đình như một thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố Sài Gòn đã phát biểu với các nhà báo: “Không nên quá trách các bị cáo bởi họ vốn là nông dân, ít học. Từ gốc rạ bước ra không bao lâu, các cầu thủ này được đưa lên nấc thang quá cao, trong khi than không chắc, không vững nên té ngã là điều đương nhiên”. Theo ông Thẩm phán: “cái tội lớn nhất là tội của người lớn. Không chỉ trong vụ này, qua nhiều vụ án khác cũng cho thấy người lớn chưa làm hết trách nhiệm...” Có phóng viên cười bảo: “hay không làm gì hết và có làm là làm những chuyện tầm bậy...” Vị thẩm phán tiếp: -“Khi tiếp nhận ai đó vào làm việc thì chỉ biết làm sao để khai thác tối đa chuyên môn của họ nhằm lấy cái lợi trước mắt cho mình mà không có một sự quan tâm giáo dục. Không có một sự chuẩn bị nào về tâm lý, về lòng tự trọng, cho nên khi gặp môi trường xấu thì các em sa ngã ngay”.

Nhưng chính yếu của vấn đề như một sinh viên kêu lên với Thiện Nam: “chú ơi  trên đất nước này thiếu hẳn việc định hướng nghề nghiệp, đó là bài học đầu tiên khi bước vào đời, ngay ở các đại học chính quy cũng đều thiếu vắng chương trình này, nói chung các bác sỹ tâm lý các nhà quản trị thật sự chưa có chỗ đứng trên đất nước này và chắc chắn bao nhà lãnh đạo của đất nước cũng không biết các vị có bằng cấp chuyên môn ấy sẽ thật sự là cần thiết và đảm trách vai trò gì vì tất cả đã có sự lãnh đạo của đảng.

Dọc theo tuyến đường từ Đà Lạt về Sài Gòn, nhất là khu vực Xuân Lộc, Đồng Nai những ngôi Thánh đường, các Giáo xứ san sát nhau như nói lên một thời hoàng kim của những người Công giáo di cư chạy trốn Cộng sản từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Geneve 1954. Cũng là dấu ấn về sự hưng thịnh phát triển của vùng này do sức cần lao của các cư dân trên vùng đất mới. Song với những ai qua lại thường xuyên nơi đây: nó chỉ là một thời đã qua. Suốt nhiều thập kỷ trôi qua dưới chế độ Cộng sản không có gì thay đổi ngoài việc làm mương rẫy hoặc chờ tiền từ nước ngoài gởi về, nếu có thân nhân di tản hay vượt biển sau khi đất nước thống nhất. Song nay bên cạnh các ngôi Thánh đường cao vút, có một sự phát triển khác lạ trên các con đường như quốc lộ số hai mươi này và bao quốc lộ khác. Chính quyền địa phương đua nhau xây dựng những công sở thật hoành tráng như ngay nơi tỉnh nghèo nhất Quảng Bình cũng cố xây nên những cơ ngơi thật tráng lệ không ai tưởng tượng nổi dù người dân hãy còn rất nghèo đến khố rách áo cơm.

Có những con đường trên các thành phố gọi là đường công sở, như Đà Lạt không chỉ có một con đường mà là cả khu đảng uỷ ở đường Nguyễn Du và các đảng chủ vẫn chưa thoả mãn nên đã có qui hoạch cùng sự xây dựng thật to lớn mới hoàn toàn tại vùng đồi khang trang Huỳnh Thúc Kháng. Và khu hành chánh nguy nga riêng biệt nữa. Quả là hai chính quyền song song trên những con đường làm xé nát đô thị ra thành từng mảnh. Hàng chục công sở liền nhau trên suốt chiều dài hàng kí lô mét hay trên những khu vực triền đồi tuyệt đẹp của thành phố nào Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ, Ban dân tộc miền núi, Ban tôn giáo, Hội nông dân, Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề, Thanh tra, Bảo hiểm xã hội, Thi hành án hình sự, Tòa án, Liên minh hợp tác xã, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, Ủy ban dân số-gia đình và trẻ em, Thành đoàn, Sở Giáo dục-đào tạo, Sở Tư pháp, Hội nhà báo, Thi hành án dân sự, Sở Lao động-thương binh và xã hội, Sở Xây dựng, Sở tài chánh, Thương mại, Kế hoạch và đầu tư, Cục thống kê, Cục thuế... Tất cả sự giàn trải ra như thế sẽ tốn kém không biết bao tiền của từ thuế của dân. Các nhà xây dựng còn có cái tâm với đất nước chỉ biết ngậm ngùi trong sự tiếc rẻ ngoài sự lãng phí cách tổ chức như thế chỉ làm xấu đi bộ mặt các đô thị. Nếu biết quản trị theo hệ thống trong hệ thống của thời công nghệ mới sẽ không lãng phí ngân sách và tiết kiệm được đất đai rất nhiều. Đó là những danh mục với các chi phí mà nếu thống kê sẽ là những con số khổng lồ. Người dân chỉ còn biết nhìn các toà nhà công quyền lộng lẫy sao mà ít kẻ qua lại như thế hay lại bận họp. Nhưng thật sự đều trong tình trạng người ít so với cảnh quan bao la của nó, những hội trường bao giờ cũng đồ sộ để trưng bày ảnh lãnh tụ vĩ đại.

Một nông dân khi lên thăm thành phố thuộc duyên hải miền Trung Việt Nam đã thốt lên với giọng địa phương đáng yêu của quê xứ vùng này: “Đi chỗ mô cũng chộ công sở là công sở! Không biết họ xây mần chi mà nhiều rứa, chỉ tốn đất, tốn tiền đóng thuế của dân”. 

Các quan to không chỉ chịu làm việc những nơi to, ở nhà to, mà còn có những cái to gọi là vĩ đại... trong nỗi kinh hoàng của bao nông dân chân chất từ làng quê của mình với những đoàn xe ben ngày đêm gầm rú cày xới nát những con đường làng nơi xứ sở của họ. Xe ben chở đất đá không che bạt gây khói bụi mù trời ngay cả trong các thành phố lớn, các con đường chính ở nông thôn có xe ben ngang qua bị biến thành các ổ trâu, ổ voi không thể đi lại được. Nguy hiểm hơn tài xế của các loại xe này thường ỷ lại là tài sản của các quan to nên phóng nhanh vượt ẩu, xem thường tính mạng người đi đường, đặc biệt những chiếc xe ben của các quan thuộc vùng gọi là cái nôi của Việt cộng ở Củ Chi, khi đụng phải một ai chúng thường quay đầu xe trở lại cán đi cán lại nhiều lần cho đến chết mới thôi vì theo phóng sự điều tra của các phóng viên nếu để nạn nhân còn sống chúng phải lo toan tiền thuốc men khá nhiều tốn kém, chi bằng chỉ một lần lo toan đám ma và thương lượng với gia đình người chết hãy để lại cái đức mà bãi nại. Thật vậy ở Việt Nam đương đại loại xe ưu tiên số một không phải là xe cứu thương nhưng là xe ben các loại, còn gọi là xe “vua” lộng hành của các đảng chủ địa phương trong nỗi kinh hoàng khôn xiết của người dân.

Tất cả đều mong nó sớm qua đi như hết ngày rồi lại đêm theo sự biến đổi của hoàn vũ. Những ước mơ giản dị mà xa vời cứ mòn mỏi trôi qua nơi đây. Trong những con người chân chất ấy họ không hận thù và nếu có ai nói lời xin lỗi họ sẽ bảo có gì mà phải tha thứ. Chỉ có những gì thật sự của người dân hãy trả lại cho dân và điều tha thiết đó hy vọng sẽ không là những giấc mơ cuối cùng trong cuộc đời với chính họ.

 

XXXIII

Giấc mơ Việt Nam

 

Người dân ước mơ trên đất nước họ sẽ không còn quá nhiều thủ tục hành dân, và điều này quả là Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ đã thua xa các nước trên thế giới nhất là trong khu vực Đông Nam Á. 

Người dân ước mơ trên một đất nước sẽ không còn các quan tham, nạn hối lộ nhũng nhiễu dân phải diệt tận gốc rễ. Tất cả phải trên một nền tảng nhân bản mới. Mọi người đều có cơ hội nếu biết khởi đầu với sự tự làm lại chính mình hầu làm lại tất cả trên nền tảng mới.

Người dân ước mơ với khoa học công nghệ tin học sẽ đưa đất nước bắt kịp thời đại trong quan hệ với với các nước có công nghệ tiên tiến này. Mà đòn bẩy đó là các Việt kiều có khả năng tri thức ở hải ngoại. Con dân Việt Nam sẽ hãnh diện: Tôi thôi không còn ăn cắp bản quyền và tôn trọng việc sở hữu trí tuệ. Đó là lòng tự trọng dân tộc và cũng là sự khởi đầu cho Việt Nam đứng lên. 

Sinh viên và Quý Thầy Cô giảng dạy tại các Đại học ước mơ sẽ có một nền tự trị đại học trên quê hương, cũng như chương trình giảng dạy theo các giá trị phổ quát mà nhân loại cùng tôn trọng. Đó chính là sự khởi đầu để có sáng tạo mai sau và phải sớm cũng như thường xuyên có sự kiểm định quốc gia nhằm đạt đến chuẩn quốc tế về chất lượng giảng dạy tại đại học. Các khó khăn mà Hiệu Trưởng đại học nào cũng than, đó là cơ sở vật chất vì sự phát triển không đồng bộ, sự định hướng vĩ mô không rõ ràng, không có sự kiểm tra chặt chẽ cũng như sự phân cấp minh bạch trong vai trò đảm nhiệm việc đào tạo với mỗi đại học. Việc thực hiện kiểm toán tài chánh, phát huy vai trò của Hội đồng nhà trường, thực hiện công khai hoá các thông tin về trường trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hãy còn là một cái gì đó còn phải giữ bí mật tại đất nước này. 

Người dân ước mong có một nền giáo dục công bằng, bác ái, hợp lý. đó sẽ là nền tảng cho sự khởi đầu trong việc sáng tạo thật sự. Một nền giáo dục đặc thù trên những giá trị khoa học, phổ quát của nhân loại. 

Một khởi đầu mới không còn những sáng tác chết người, do hậu quả của một nền giáo dục chỉ nhằm mục đích tuyên truyền phục vụ cho các mục tiêu nhất thời trong chính trị, khiến các công dân trẻ không còn nhận ra Mát-xcơ-va lại là ở Pháp? “ Vua Khải Định đi Xứ sang Pháp”... Ôi đã là vua mà làm sứ giả cho ai, đến tú tài mà còn sai lỗi chính tả nữa? Còn tiếp lầm lẫn về địa lý: “Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo ở Mát-xcơ-va”. Ngoài ra có thí sinh tú tài nhầm Xuân Diệu với Hàn Mặc Tử, nguyên văn: “Xuân Diệu tên thật là Nguyễn Trọng Trí”. Một đám bòng bong chết người như bình loạn xạ Tống Biệt Hành: “Tống Biệt Hành nằm trong không khí của những cuộc ra đi như Tây tiến, Đất nước... trong cuộc kháng chiến chống Pháp….”! 

Người dân ước mơ sẽ có được cơ sở hạ tầng ngày càng tốt hơn. một hệ thống giao thông, điện nước, bến cảng, phi trường và truyền thông hiệu quả... Đó là sự khởi đầu nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Niềm mong ước vì thật sự ai cũng biết nhưng cái biết để nhân danh nó mà cùng nhau đớp hít chia chát miếng đỉnh chung. Niềm mong ước các nhà lãnh đạo thật sự cho đất nước sẽ không giống như các cầu thủ bóng đá trên đất nước Giao Chỉ này: đó là bỗng từ đâu nhảy xuống làm vua. Họ phải được huấn luyện kỹ lưỡng nhất là đội ngũ công chức phải là những chuyên viên từ người lãnh đạo cao nhất đều mang một triết lý sống vì dân thật sự, nghĩa là không chỉ có các nhà lãnh đạo mới là những “Vì Vua minh triết”, nhưng tất cả các công dân đều là những con người khôn ngoan, chân thật.

Khi chúng ta đồng lòng tách ra khỏi lòng tham, cả dân tộc cùng nhau giải quyết được tham nhũng, thế là ngay bước khởi đầu chúng ta đã có một sự khác biệt mà nhân loại vốn tồn tại trên cái Thiện sẽ cùng nắm tay tiến bước với chúng ta lên phía trước một cách nhân bản trong niềm hãnh diện chúng ta cùng sinh ra làm người và ít ra đã sống xứng đáng với bộ mặt con người. 

Người dân ước mơ sẽ không còn nỗi lo thần hỏa đến thăm, hiện tại niềm mong ước này hãy còn xa vời, nhiều khu dân cư đang sống trong lo lắng bởi khả năng phòng chống cháy nổ ở con số không. Theo thống kê tại Sài Gòn có hơn một trăm ba mươi ngôi nhà với tầng cao từ chín đến ba mươi ba tầng, nhưng hầu hết không có sân đổ trực thăng để cứu hộ phòng khi bất trắc. Nhiều khu vực có trụ nước chữa cháy nhưng không có nước trong đường ống và nét chung của các thị thành: nhà ở dày đặc san sát nhau mà lòng đường còn bị chiếm dụng để họp chợ, nên nếu có cháy rất dễ bó tay! 

Ngưòi dân ước mong chúng ta sẽ không đánh mất mình quá lâu, vong thân với những thứ chủ nghĩa lỗi thời mà ngay tại những nước trót mang nó khiến quê hương đến cảnh khốn cùng khi từ bỏ nó trong sự run rủi sợ hãi xấu hổ cho chính dân tộc đã có một thời kỳ như thế. Người Việt Nam có bề dày lịch sử của đất nước, về những giá trị văn hoá mạnh mẽ.

Người dân ước mong các con trẻ sẽ không còn bị chết non, phá thai như một phương cách hạn chế sinh sản dưới chế độ Cộng sản. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Từ nạo, hút thai gây ảnh hưởng đến sức khoẻ không biết bao nhiêu nạn nhân phụ nữ phải gánh chịu, đến sự quảng bá rộng rãi của các giám đốc bệnh viện trong việc trục thai an toàn qua phương pháp phá thai nội khoa là khi sẩy thai - giết một em bé, theo nguyên văn: “có tính nhẹ nhàng, ít gây ảnh hưởng đến tâm lý chị em phụ nữ”. Sự triệt tiêu các em bé được phổ biến rộng rãi như các phòng khám đều có số điện thoại để người có nhu cầu thông báo về tình trạng thai nhi của mình với bác sỹ khi cần thiết để trục ra. Và một cách nói ngụy biện công khai trong việc giết hại trẻ em qua phát ngôn của Chủ tịch Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam: “Phương pháp phá thai nội khoa tăng thêm sự lựa chọn về dịch vụ phá thai là một bước quan trọng đối với quá trình nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ”. Dưới con mắt của những người còn chút lương tri với sự tồn vong của dân tộc: ôi sao việc giết người mà với những từ hoa mỹ hay quá thế! 

Người dân ước mong những cánh rừng già sẽ không bị biến thành mương rẫy! Trong một dịp lên thăm Đại học Tây Nguyên, Thiện Nam chứng kiến thác Trinh Nữ cũng không còn gì để xem ngoài dòng nước đục ngầu chảy xuống. Trên đường đi thăm quan Đắc Lắc, chàng tận mắt nhìn thấy những cánh rừng đang co cụm như thoi thóp cố gắng tồn tại trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời! Người dân ước mơ những cánh rừng cùng thác Trinh Nữ, Buôn Mê... sẽ có một ngày hồi sinh như nguyên sơ của nó! 

Xin nghiêng mình khâm phục những con người thầm lặng, các Nữ Tu đang ngày đêm chăm sóc những bệnh nhân cùi tại Di Linh cũng như nhiều trại cùi khác và nay đảm trách cả các trại gồm những nạn nhân đang mắc phải căn bệnh của thế kỷ SIDA. Thiện Nam không quên từ tấm bé đó là mỗi khi có dịp trên đường về Sài Gòn chàng hay ghé vào thăm Quý Nữ tu và các bệnh nhân cùi trên một triền đồi Di Linh. Các Nữ tu nơi đây khác với nhiều Tu sỹ khác ở đặc điểm họ ít nói hầu như luôn trong im lặng với nụ cười, họ rửa ráy cho các bệnh nhân cùi một cách vui vẻ và bằng cả trái tim. Nhiều khi đã đến giờ phải ra đi nhưng chàng vẫn mãi cứ nhìn quang cảnh chung quanh trại cùi, nhìn hình ảnh các Nữ tu như quả thật nơi đây có một Thiên đường của tình người... Thiện Nam nhìn lại một lần nữa trước khi ra về lần nào cũng vậy, kìa là Ngôi mộ của Đức Cha Jean Cassaigne, nhưng giờ đây nhìn quanh chàng chưa bao giờ gặp một Linh mục nào cả, chàng tự hỏi hay là Quý Ngài còn mãi lo họp ở trần thế với MTTQ, UBĐKTG hoặc đang bận chuyện mục vụ phải ra nước ngoài để kiếm tiền mang về giúp đỡ các bệnh nhân?  

Thiện Nam được biết gần nơi trại cùi này, vùng Đức Trọng có một gia đình nghèo cùng vài thân hữu khác đã lặng lẽ đón nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa trị cho cả trăm bệnh nhân tâm thần với biết bao khó khăn, phức tạp, chịu tốn kém cả về tiền của lẫn thời gian, sức lực... Quả thật trên đất nước này hãy còn và còn nhiều vô kể những tấm lòng nhân ái! Hình như thành phố mộng mơ chưa có nơi chăm sóc những người điên, thế mới lạ với cái Sở Thương binh Xã hội và các nơi cũng thế, không biết họ lãnh lương từ thuế của dân và mỗi ngày họ làm những công việc gì?

Người dân ước mơ sẽ có một nền kinh tế tài chánh công khai, minh bạch thể hiện qua sàn chứng khoán ổn định vì đó là thước đo cho sự tăng trưởng kinh tế mà điều này chúng ta hoàn toàn từ con số khống, hiện tượng làm giả, thông tin sai lệch để đẩy giá cổ phiếu tăng cao quá mức so với giá trị thực, dù chỉ là ở bước đầu hình thành thị trường này mọi sự đã trên sự gian dối mà vốn khởi đầu làm sao thường kết thúc như vậy. Các nhà doanh nghiệp quốc doanh Việt cộng hầu như đã không được giáo dục rằng nếu đưa ra thông tin sai là vi phạm pháp luật vì một điều dễ hiểu họ luôn quen đứng bên trên pháp luật. Nên các thông tin từ thị trường ở nơi này rất mang tính hình thức, tất cả do quen sự chỉ đạo của đảng, tính pháp lý chỉ là hình thức. Người dân ước mong họ được nghe thông tin một cách chuẩn xác từ đó mà xác định giá trị của các cổ phiếu sẽ bao nhiêu là hợp lý, nghĩa là phải có người công bố công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật, thế nhưng trong các chế độ toàn trị Cộng sản họ chỉ chịu trách nhiệm trước đảng! 

Người dân mong ước khi vào cuộc chơi toàn cầu trên những nền tảng mà nhân loại đã có được, chúng ta nên tuân thủ những tập quán quốc tế. Giá trị của sản phẩm được tính bằng phương pháp có khoa học, đó là giá cổ phiếu trên thị trường thế nào, cao thấp đều liên quan đến phạm trù giá trị. Sự nói dối và lừa lọc lẫn nhau chỉ dẫn đến phá sản mà thôi, qua biểu đồ nóng lạnh bất thường của thị trường này hiện tại xảy ra ở Việt Nam. 

Các công dân nói lên cảm nghĩ của mình đã đến lúc không còn là chuyện báo động nữa mà phải chấm dứt tình trạng thất thoát, lãng phí của công, trong việc sử dụng ngân sách nhà nước từ trung ương đến tất cả các địa phương. Sau đây là nguyên văn của một Đại biểu Quốc hội đã bị chết bất đắc kỳ tử, ông phụ trách về ngân sách ở Quốc hội: -“Thực tế hiện nay tình trạng sử dụng ngân sách nhà nước sai mục đích, chi sai chế độ, chi vượt dự toán xảy ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, gây thất thoát, lãng phí lớn đối với ngân sách nhà nước, tức là tiền đóng thuế của người dân. Thậm chí có địa phương sử dụng sai ngân sách dự phòng dành cho công tác phòng chống lụt bão hàng tỷ đồng để mua xe con!”

-“Có thể nói lĩnh vực đầu tư, trong đó có cả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, cũng như các dự án sản xuất kinh doanh hay phục vụ các mục đích dân sinh khác của xã hội... có tình trạng thất thoát, lãng phí nhiều nhất. Tôi lấy ví dụ một tỉnh nghèo tại miền Trung đã đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến hoa quả, kinh phí lên tới hai chục tỷ đồng, nhưng xây xong lại không thể hoạt động được do thiếu... nguyên liệu sản xuất! Nhà máy này sau đó phải cho thuê làm nơi... bán xe máy, gây lãng phí và bức xúc cho nhiều người. Rồi xây bệnh viện cũng vài chục tỷ đồng nhưng xây xong bỏ đó vì không có thiết bị, không đào đâu ra số lượng bác sĩ làm việc cho bệnh viện... Cũng có nhiều địa phương đường làm xong chưa đi đã xuống cấp, không sử dụng được, phải sửa chữa... Tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng, dùng để đi chùa trong việc lễ hội đã được dư luận phản ảnh nhiều. Người ta còn sử dụng xe cứu thương để đi nhậu, đi chơi thì quả là không thể chấp nhận”.

Thật vậy dưới cái nhìn của Thiện Nam sau những năm tháng thăm quan nhiều tỉnh thành, thực tế diễn ra nó còn thảm hại hơn thế vì chính chàng là nạn nhân đã dấn thân vào cuộc. Đó là việc giám sát việc sử dụng ngân sách địa phương quá chồng chéo, ai cũng có trách nhiệm nhưng không ai chịu trách nhiệm, đó là một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Các câu chuyện từ nhiều địa phương về việc thu tiền sử dụng đất nhưng không nộp ngân sách mà đưa vào quỹ riêng, cuối cùng chạy vào túi của các quan tham đảng chủ Việt cộng trên đất nước này.

 

Xuân về nhưng Tết hãy còn xa!

Thiện Nam được dịp đi thăm các gia đình người dân tộc trước Tết, đúng như người con gái đội chiếc nón bài thơ trong lần gặp đầu tiên khi chàng trở lại thành phố mộng mơ: bây giờ họ đã đi xa thật sâu tận núi cao. Gió rừng vào tiết đông chuyển sang xuân như đang trở mình và thổi rất mạnh, những mái nhà lán, nhà lều với vách nứa, mái tranh thấp lè tè nghiêng vẹo trong gió. Các gia đình người dân tộc từ ngàn xưa và nay cũng thế, ngay cả các khu ký túc xá chỉ có cơm với muối: có thay đổi đó là muối tổ tiên họ pha chế từ rễ tranh còn nay nhờ có sự liên lạc với thế giới bên ngoài họ có muối biển và nếu bữa ăn có được một con cá khô thời quá linh đình. Hôm nào vào rừng kiếm được lá nhiếp, ít củ khoai mì thời luộc hay vẫn món canh chay không người lái. Các em học sinh dù giáp kề với năm mới nhưng áo quần vàng khè, có em thật tội nghiệp trên chiếc áo khoát đã cũ mềm. Thiện Nam đã trao cho chúng những chiếc áo mới nhưng hết thảy đều không chịu mặc và đồng thanh bảo: -Cảm ơn chú nhưng Tết sẽ không có cái mới mặc đâu. Nước uống hầu như hoàn toàn dựa vào nước mưa hoặc nước suối, còn chuyện thắp được đèn dầu quả không biết sẽ moi tiền từ đâu để mua dùng. Các trường Tiểu học thường cách xa nhau hàng chục ký lô mét và toạ lạc trên những triền đồi cách xa nhau. Thiện Nam chứng kiến mà đến não lòng một phòng học nhỏ xiêu vẹo cho lớp Một, song phải học hai ca sáng chiều, học sinh ở quanh ngọn đồi có mái trường xiêu và có em dù còn rất bé nhưng phải đến trường cách xa nhiều dặm khiến chúng luôn bỏ học. Và theo Thầy Hiệu trưởng mà chàng gặp chúng chỉ hăng hái đến trường khi có tin một đoàn nào đó sắp đến thăm để nhận quà. Các em từ lớp hai bắt đầu đi xa hơn và rồi công việc thường ngày như mọi ngày không đến trường hoặc sau khi tan trường lớn nhỏ đều lao vào kiếm cái ăn như đi hái đót, mót củi gánh ra bán cho người kinh, hoặc tìm củ chuối, hái lá khoai mì về làm dưa... Trong những túp lều sàn bằng tranh nứa kia với khói rán chiều bên nồi khoai củ thường xuyên hầu như họ không còn biết mùa xuân là gì!

Mùa xuân vẫn đến rồi đi nhưng có lẽ con người đã không có cái tâm ngay cả với chính mình, cũng như đối với anh em mình, do vậy mà người ngoài: những khách du lịch phần lớn đã một đi không trở lại. Các thành phố du lịch đang cố khai thác túi tiền của du khách nhưng không chịu đầu tư thắng cảnh và di tích văn hoá. Như tại Đà Lạt gần cả ngàn khách sạn và nhà nghỉ, nhưng đạt chuẩn một sao đã khó, còn chuyện hai ba sao trở lên quả là nếu có rất hiếm hoi. Thế nhưng cái đáng sợ là các khách sạn thường xuyên đẩy giá thuê phòng lên có khi đến hai trăm phần trăm khiến ai cũng lắc đầu và do dự không muốn đến nơi tràn ngập không khí mát lành nhưng con người chặt chém một cách lạnh lùng ghê gớm quá. Tầng lớp gọi là cách mạng ở đây hầu như họ không biết làm gì, về mặt chính quyền thì chờ ai đó làm được cái gì thì xin đểu. Còn bọn vô sản lưu manh nhảy ra làm kinh tế thì không có đạo đức trong nghề nghiệp. Nên ai từng qua đây và nghĩ lại cũng trong kinh hoàng. Đó là chưa kể hết chất lượng dịch vụ du lịch tại nhiều nơi còn quá kém. Nguồn nhân lực đào tạo trong ngành nghề này là một con số không to tướng: khi những người được nhận vào các công ty du lịch là thành phần con cái người thân hoặc buộc phải nhận từ các viên chức khác. Cũng có nhiều người trẻ đẹp ngoài luồng, nhưng thật sự chỉ là để cho bọn quan tham ngành này du hí... một yếu tố nữa trong vấn đề du lịch là biết tạo dựng những nơi vui chơi giải trí cho du khách nhưng ngoài cái vốn tự nhiên sẵn có, không ai chịu chăm bón chúng một cách đúng nghĩa phục vụ con người có quyền được hưởng hạnh phúc, đó là ngoài các phương pháp khoa học trong việc ăn nghỉ còn có cái thật sự của tấm lòng.

Nhưng hãy còn may mắn trong thời đại của chúng ta, các nhà khoa học thần kinh Mỹ đã tìm thấy “điểm nhân ái” trong não con người. Theo tác giả Scott Huettel, Giáo sư về tâm lý tại trung tâm y khoa đại học Duke: Mặc dù việc hiểu biết chức năng của vùng não này không nhất thiết xác định điều gì, nhưng nó cũng có thể cho chúng ta những mấu chốt về nguồn gốc của các thái độ xã hội quan trọng như lòng vị tha chẳng hạn”. 

Các chuyên gia thường ghi nhận lòng vị tha làm cho người ta xả thân hết mình vì tha nhân. Trong cuộc nghiên cứu, những người có lòng nhân ái nhất có hoạt động mạnh nhất tại rãnh não phía trên-phía sau, nơi thường có sự liên quan đến sự xử lý thông tin đến, đưa ra các mối quan hệ xã hội và kiểm soát các cử động.

Để kết luận về công trình nghiên cứu, ông nói: “chúng tôi thực hiện thí nghiệm này với ý nghĩ rằng lòng vị tha thật sự là một chức năng của hệ thống tưởng thưởng của não, những người vị tha sẽ đơn giản cảm thấy lòng vị tha được tưởng thưởng nhiều hơn”.

Và thế gian này có một màu trắng kỳ lạ, theo Tiến sĩ  Vukusic giải thích chính cấu trúc không đều là nguyên nhân tạo màu trắng cho con bọ. Đó là một loại côn trùng trắng toát có thể giúp mô phỏng để chế tạo màu trắng tinh và những chất liệu cực mỏng. Đây là loài bọ cánh cứng có tên khoa học là Cyphochilus được tìm thấy ở Đông Nam Á. Nó không phải màu trắng của bươm bướm, hay một đôi chút màu trắng ở nơi nào đó, nhưng màu trắng này đúng là không thể so sánh được: màu trắng tinh như thể là điều kỳ lạ nơi côn trùng. Trên tạp chí Khoa Học cho rằng việc mô phỏng ngay những cái vảy có thể mang lại nhiều ứng dụng trong công nghệ. Màu trắng kỳ lạ từ những cấu trúc không đều...

Thế giới vẫn luôn là những điều trăn trở trước biết bao con nhân sư mà chúng ta gặp mỗi ngày.         

Việc thiên thạch đâm vào trái đất không phải là ngoài dự kiến.

Thông báo của NASA được đưa ra trong bối cảnh một hội nghị về chủ đề “Phòng thủ hành tinh” tiến hành tại Hoa Thịnh Đốn đã cảnh báo về nguy cơ các thiên thạch nhỏ đâm vào trái đất và tìm biện pháp làm thay đổi đường bay của chúng. NASA cảnh báo về những thiên thạch có khả năng đâm vào chúng ta. Những thiên thạch nhỏ hơn này rất khó phát hiện, rất khó dự đoán và có thể gây thiệt hại lớn. Để tránh nguy cơ thiên thạch đâm vào trái đất, biện pháp hiệu quả nhất có thể nói gấp trăm lần các phương pháp khác là cho nổ một quả bom hạt nhân gần thiên thạch đang hướng về địa cầu. Thế nhưng đưa một quả bom nguyên tử lên vũ trụ quả là một vấn đề có quá nhiều rủi ro và các nhà khoa học NASA đã đưa ra phương án khác nhằm làm thay đổi hướng đi của thiên thạch nào theo dự tính sẽ đâm vào trái đất. Mặc dù vậy đến nay NASA vẫn chưa có kế hoạch thử bất cứ phương án nào vì... thiếu tiền. Chỉ có Việt Nam dưới sự cai trị của các quan tham Cộng sản là không thiếu tiền, nên dùng cả triệu đô từ thuế của dân hay tiền viện trợ cho vay của các nước phát triển mà mang đem đánh bạc. Về việc này bất cứ người dân bình thường nào cũng đều cười bỉ mặt ông đại diện cho Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khi vị này tuyên bố: không có tham nhũng trong việc sử dụng tiền của Ngân hàng.

Thật vậy việc thiên thạch đâm vào Trái đất không phải là ngoài dự kiến.

Như bao nhiêu nhà đầu tư vào thời mở cửa chàng lại rời bỏ mái trường vừa mới xây dựng trong sự đã rồi là bị lột sạch không còn gì, cả cái tâm huyết cũng muốn nản lòng bỏ lại phía sau. Nhưng đặc biệt phải nói nam giới hay nữ giới người Việt là Nam hay Bắc khi họ còn giữ những nét truyền thống Phương Đông để lại từ các gia đình thật là tuyệt vời. Nhiều nhà đầu tư khi đến quá sớm với Việt Nam và dù ra đi trong vội vàng nhưng ai cũng thừa nhận rằng: tôi đã có một người vợ, người chồng Việt Nam mang lại hạnh phúc vô cùng. Xin cảm ơn dù tôi đã thua sạch tại nơi này. Thiện Nam cũng không có con đường nào khác, chàng có một vị hôn thê là giáo sư thỉnh giảng của Trường Công nghệ. Gia đình chàng đã có ba thành viên với cháu bé gái kháu khỉnh. Khi rời khỏi mái trường thân yêu lần này trong trái tim chàng đau xót rất nhiều: những ước mơ về sự góp phần tái thiết quê hương, sớm đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn lạc hậu, nó chỉ có thể thực hiện khi đất nước này không còn Cộng sản, điều đó tất yếu sẽ xảy ra theo sự biến dịch của thời gian. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật cái duyên đã không có này. Ông Trời chỉ bù đắp lại cho chàng có lẽ từ tấm lòng thành với quê xứ khi còn bạo tàn mà chàng dám lao mình vào cùng nhau cứu khổ, cứu nạn. Cái duyên đã đến với Thiện Nam khi ra khỏi trại giam, đó là một gia đình hạnh phúc. Trong trái tim chàng như bao người Việt còn chút lòng với quê hương vẫn luôn hướng nhìn về những người Việt Nam đang nghèo về mọi thứ. Trên chuyến xe để lại tiếp tục mở trường nơi một vùng quê tỉnh lẻ khác với giấc ngủ chập chùng Thiện Nam nhớ lại hình ảnh mà chàng chứng kiến về người đàn bà đã có tuổi tay cầm khẩu hiệu màu trắng có chữ đỏ trên tấm băng rôn nhỏ như gọi người người cùng lên xứ sương mù xa xôi hầu có thể biết được: Đà Lạt công lý ở đâu? Nhiều người cả nam, phụ lão... trên tay với các bảng hiệu lớn nhỏ gồm toàn những lời đả đảo chính quyền trên khắp moị miền đất nước chiếm đoạt tài sản của dân: hỡi chính quyền Long An, Mỹ Tho, Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Hà Nội, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế... Trên khắp mọi miền của non sông đất nước. Tiếng than nấc lên trong nghẹn ngào vì tài sản, đất đai ruộng vườn bị mất sạch vào tay các quan tham Cộng sản. Họ thật yên lặng trật tự dưới những cơn mưa như thác đổ giữa lòng Sài Gòn vào mùa mưa, rồi dưới cái nắng như thiêu đốt đến hâm cả người thế là trời lại đổ cơn mưa tiếp, thiên nhiên đất trời Nam Bộ này là vậy. Và con người khốn khổ nhẫn nại chịu đựng hết chỉ còn biết xin ông Trời dõi mắt mà thương dân oan chịu trận trên đất nước này.

      Người dân ước mơ triết lý Phật giáo sẽ giúp được dân tộc này qua khỏi cơn lầm than hận thù, mặc dù các phát minh khoa học qua bức xạ từ Lỗ đen: Sẽ không còn những liên hệ trực tiếp giữa nguyên nhân và kết quả. Thế nhưng ở đây và bây giờ chúng ta hãy cùng trên con đường: có nguyên nhân dẫn đến kết quả trên nền tảng của Vật lý về vũ trụ trước nay.

Và người dân ước nguyện các nhà lãnh đạo Phật giáo luôn sáng suốt để dẫn đưa Đạo pháp và Dân tộc qua khỏi cơn Pháp nạn cùng trước sự tồn vong của giống nòi này. Nếu cho dù có chín mươi chín vị sư bị hư đốn nhưng chỉ duy có ít Nhà sư sáng danh đạo hạnh dẫn đường, dân tộc này sẽ vượt qua Địa ngục trần giới tiến tới làm người, có được những quyền cơ bản thật sự của con người theo định nghĩa chung của nhân loại: chắc chắn là vậy vì Tổ Tiên của chúng ta đã một thời dẫn đưa dân tộc theo tôn giáo này, nên mỗi người Việt Nam đều có Phật Tính di truyền trong người.

Trong nước mỗi người Việt Nam có tấm lòng với Phật, hãy nói lên từ tấm lòng mình: tôi yêu Tự Do, hãy trả lại Phật tính nguyên ủy trong tôi và Giáo hội tôi... Mỗi thiện nam, tín nữ luôn niệm rằng càng nhiều nghịch cảnh tôi càng có nhân duyên đến gần Bồ Tát hơn, cứu cánh cuối cùng của chúng ta là trên đường tu đức để thành Phật. Hãy xa ra thứ Phật giáo quốc doanh chỉ làm cho chúng sanh ngụy tín, tha hoá, vong thân. Và mỗi gia đình có Phật tính hãy nói với con em mình: Các con chứ có đánh đập, nói xấu các Thầy, các Thầy đang đi tìm lại cái thiện tâm trở về trong mỗi các con đấy. Dân tộc này sẽ có được lòng ngay như truyền thống và một xã hội công dân viên mãn của thời hiện đại.

Người Thiên Chúa giáo Việt Nam đã đang và sẽ dấn thân trọn vẹn để hoàn tất việc này, nhiều Linh Mục, Tu Sỹ khả kính, Giáo dân rất muốn: đó là đã đến lúc cần phải biến đổi đất nước sang một nền Dân Chủ Phổ Quát thật sự, chúng ta biết bắt đầu bằng sự cầu nguyện và mọi sự sẽ kết thúc bằng cầu nguyện, chúng ta biết hát vang về các Thánh tử đạo Việt Nam Vinh quang và chúng ta không sợ chảy máu: Cái quý giá cuối cùng trong mỗi người Công giáo chúng ta là Con được nên Thánh. Và đây trước sự thống trị của bạo tàn trong sự khôn ngoan chúng ta hãy cầu nguyện, tiếp tục cầu nguyện và tỉnh thức: Tôi sẽ dấn thân dù phải chết để tôi và anh em có cơ hội sống tốt hơn theo Tin Mừng. 

Người dân đầy ước mơ và hy vọng từ thành phố mộng mơ: Lạy Con người tự thân Con người. Nguyện danh Con người tỏa sáng. Nước Con người trị đến: Ý Con người thể hiện như nguyên uỷ vốn Thiện. Xin cho Con người hằng ngày dùng đủ. Và tha thứ cho nhau như Con người đối xử với nhau cho ra Con người. Chớ làm cho nhau sa chước cám dỗ, nhưng cùng nhau cứu khổ, cứu nạn. Ước được như vậy.  



HẾT




*****

MỤC LỤC

BIỂN ĐỎ VIỆT NAM

Nội Dung Phần Một

Chương 1 Về đâu……………………………………………….13

Chương 2 Thế gian như thị……………………………………..15

Chương 3 Hiện tình Sài Gòn khi VC chiếm đóng……………...18

Chương 4 Mẹ không cần vàng………………….…………….23

Chương 5 Cả tin...………………………………………………28

Chương 6 Ta là kẻ cứu người...………………………………...30

Chương 7 Người tiều phu………………………………………33

Chương 8 Ta có toàn quyền………………………………….…39

Chương 9 Trạng có chết……………………………………...…41

Chương 10 Adam & Eva……………………………………..…42

Chương 11 Hy vọng…………………………………….………45

Chương 12 Khách sạn trại giam………………………...………48

Chương 13 Phiên tòa……………………………………………53 

Chương 14 Luật sư………………………………………...……60

Chương 15 Lời nói cuối cùng……………...………...…………64

Chương 16 Khu tử hình……………………...…………………69

Chương 17 Trại lao cải…………………...………………….…75

Chương 18 Thung lũng tử thần……………………………..…100

Chương 19 Những bước chân trên Thung lũng tử thần ………102

Chương 20 Hữu thể thể hiện  tính thể…………………..……..106 

Chương 21 Cưỡi ngựa xem hoa…………………….…………112

Chương 22 Nhà đỏ………………………………….…………119

Chương 23 Những dòng sông…………………………………124

Chương 24 Rối loạn thần kinh………………….……………..147

Chương 25 Rối loạn tâm thần…………………………………169 


Nội Dung Phần Hai

Chương 26 Dinh Gia Long SG……………………..……190

Chương 27 Thành phố mộng mơ…………………...……194

Chương 28 Đồi Cù trái tim Đà Lạt đã chết………………201

Chương 29 Thung lũng tình yêu……………………………204

Chương 30 Những tòa nhà... ….……………………….……207

Chương 31 Thế kỷ 21 là của phụ nữ…………………..……210 

Chương 32 Những con người muốn làm.... ………..………214

Chương 33 Một nền giáo dục mù quáng ………………...217

Chương 34 Những thương binh.thời đại …….……………221

Chương 35 Bắt tay với Chú Sam……………..……………226

Chương 36 Kỹ sư tâm hồn………………..…………..……231 

Chương 37 Hòn đá đỏ……………………....………….……234

Chương 38 Sự trì trệ của chế độ………………….…………240

Chương 39 Nhà nước hành dân…………….……..…………245

Chương 40 Đại học trồng cỏ…………………….………… 250

Chương 41 Có ông bí thư nào chịu thuế……....………… 254

Chương 42 Rượu ngâm thuốc cường dương..………………258 

Chương 43 Ủy ban dưỡng lão nhân dân….……….…………261 

Chương 44 Một chợ trời người…………..……….…………267

Chương 45 Ruồi bảy món………………...……….…………275

Chương 46 Từ hỗn mang đến.. ….…….…..……….…………282

Chương 47 Các đảng chủ……….………..…………....………288

Chương 48 Ab chaos ordo…………………………..……… 290

Chương 49 Những chợ tình………………..…...……...………293

Chương 50 Ông Chánh án…………….……………………….300

Chương 51 Sư bất an đến nhiều thế hệ……...……..……….…305 

Chương 52 Lãnh tụ quái ác……..…………………………..…308

Chương 53 Sư sãi cùng tư bản đỏ đồng hành. …….….………312 

Chương 54 Ảnh hưởng của TQ……………….………………316

Chương 55 Các bác đảng ơi.. …………….……………..……320

Chương 56 Độc tài……….……………………………………323

Chương 57 Ông chủ tịch vẻ bùa………………………………326

Chương 58 Giấc mơ Việt Nam…………….……………….…331

Mục Lục…………………………………….……..………..…343

HẾT


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Truyện Biển Đỏ Việt Nam _ Phần I

Biển Đỏ Việt Nam _ Phần II